Kiên trì để theo đuổi đến cùng mục tiêu vốn là phẩm chất quan trọng nhất để đi đến thành công. Nhưng rèn nó có khó không? Đặc biết là đối với trẻ nhỏ. Đó là câu hỏi của hầu hết các bố mẹ khi đang nuôi dạy con.
Kiên nhẫn đồng nghĩa với việc biết kiềm chế bản thân là những đức tính cha mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi, giúp phát triển tư duy, tạo nên tính cách ôn hòa và tăng khả năng thành công sau này.
Cũng giống như hình ảnh gấu mẹ cùng con leo lên đỉnh ngon núi phủ đầy tuyết trắng. Cả 2 đều gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển lên cao do tuyết quá dày và trơn trượt. Với kinh nghiệm nhiều hơn, gấu mẹ nhanh chóng leo lên đỉnh. Còn gấu con, quá trình leo lên đỉnh núi thực sự là một thử thách bởi nó liên tục bị trượt chân, thậm chí khi gần đến đỉnh còn bị trượt xuống một đoạn dài.
Mặc dù rất khó khăn, nhưng gấu con không hề có dấu hiệu muốn bỏ cuộc. Nó kiên nhẫn hết lần này đến lần khác vượt qua mọi thử thách để rồi cuối cùng cũng lên được đỉnh núi đoàn tụ với mẹ. Sau đó, cả hai phấn khích cùng nhau đi tiếp chặng đường mới.
Chúng ta có thể học một bài học từ chú gấu con này: Hãy luôn nhìn về phía trước và đừng bao giờ bỏ cuộc, Bên cạnh đó bài học từ gấu mẹ dành cho các bậc phụ huynh là: Đôi khi hãy để cho bọn trẻ tự tìm cách để đấu tranh và vượt qua những thử thách của cuộc sống”.
VẬY LÀM SAO ĐỂ BỐ MẸ CÓ THỂ RÈN LUYỆN TÍNH KIÊN TRÌ CHO CON?
Nuôi dưỡng tính kiên trì và nhẫn nại cho trẻ không khó, nhưng nói lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và đối xử tính tế của ba mẹ trong những tình huống hàng ngày. Đôi khi, sự nôn nóng cáu giận của cha mẹ khi con làm sai hay mắc lỗi chính là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ thiếu tự tin và hay bỏ cuộc giữa chừng.
1. Ba mẹ nên Dùng ngôn ngữ tích cực khích lệ tinh thần cố gắng của con.
Khi con nói “Con không làm được, mẹ giúp con”: Thay vì bỏ mặc “Con tự nghĩ đi. Mẹ không biết” hãy hỏi con “Con không biết làm chỗ nào, nói cho mẹ nghe. Mẹ con mình cùng nghĩ nhé”. Cũng đừng chỉ ngay cho con “Con hãy làm như này này”, hãy đưa ra lựa chọn cho con tự suy nghĩ “Mẹ nghĩ có cách làm khác như này, con nghĩ sao”. Cũng đừng vội vàng dùng những câu khích lệ “Mẹ tin con sẽ làm được” vì nó không có tác dụng trong lúc tinh thần trẻ đang đi xuống, và trẻ cần một sự hỗ trợ từ ba mẹ.
Khi con muốn bỏ cuộc “Con không muốn làm nữa”: “Hãy nói cho mẹ nghe lí do nào? “Con không biết”. “Ồ vậy thì con nghĩ đi đến tối nói lại cho mẹ nhé”. Trẻ con thường bất an và sợ bị thất bại hơn người lớn tưởng tượng. Vì thế khi con nói không muốn làm nữa, ba mẹ hãy khéo léo dẫn dắt để hỏi nguyên nhân, sau đó dùng những câu nói thể hiện sự đồng cảm để giúp con lấy lại sự tự tin. “À đúng là như thế nhỉ. Mẹ cũng từng bị như vậy đấy”. Sau đó khích lệ “Thất bại cũng được mà con. Chỉ cần con cố gắng hết sức là được. Còn nếu mình không thử tiếp tục, làm sao vượt qua nỗi sợ thất bại nhỉ”.
Thừa nhận sự cố gắng: Khi con đã cố gắng mà vẫn thất bại hãy thừa nhận sự cố gắng con đã làm “Mẹ tin con đã rất cố gắng. Kết quả hơi đáng tiếc nhỉ”. Hãy coi trọng quá trình cố gắng của con hơn là nhìn vào kết quả. Mọi đứa trẻ đều muốn được ba mẹ thừa nhận mình.
Giúp con rút ra bài học từ thất bại theo chiều hướng tích cực: Khi con bị điểm kém trong kì thi đừng chỉ trích “Mẹ nói rồi mà không nghe”. Hãy nói tên cảm xúc con đang trải qua như “Mẹ biết con đang buồn”. Đưa ra điểm cố gắng của con “Con đã hơn 2 điểm so với bài trước rồi đấy”. Sau đó hãy hỏi để con tự rút ra bài học “Vậy bước tiếp theo (lần sau) theo con mình nên là gì để sửa sai”. “Lần này mình làm không được, lần sau mình nên làm như nào để không thất bại con nhỉ”.
2. Xây dựng nền tảng kiên trì từ những việc nhỏ hàng ngày cho con.
Nuôi dưỡng động lực cố gắng với niềm vui “con đã làm được rồi này”: Trải nghiệm qua niềm vui “con làm được rồi này” chính là những viên gạch đầu tiên để xây dựng động lực cố gắng cũng như tính kiên trì cho trẻ. Bởi vì chỉ khi trẻ được trải nghiệm qua niềm vui đạt được kết quả nhờ sự cố gắng, trẻ mới hiểu mình cần phải kiên trì để làm nó đến cùng. Giai đoạn từ tầm 2 đến 3 tuổi chính là giai đoạn quạn trọng nhất để xây dựng nền tảng này cho con. Vì thế ở tầm tuổi này khi con có làm sai cũng đừng trách mắng, con lúng túng vụng về cũng hãy để con được tự mình làm. Cũng đừng nói với con câu “nhanh lên đi”.
Tạo cơ hội cùng cùng con vượt qua khó khăn: Cùng con chơi một môn thể thao nào đó, đạp xe hay đi bộ, ghép một bộ ghép hình, làm một dự án nhỏ…tất cả đều là trải nghiệm tuyệt vời để giúp con nuôi dưỡng tính kiên trì.
3. Cho con rèn luyện qua gian khổ.
Bạn hãy nghĩ đến hình ảnh những vận động viên thể thao nổi tiếng, để có thể hình dung được sự bền bỉ và nỗ lực cố gắng của họ đã được tôi rèn dưới thời tiết cực độ như nào. Những vận động viên leo núi phải trải qua sự nguy hiểm với cái nóng cái lạnh, những vận động viên bóng đá vẫn miệt mài trên sân dù trời lạnh căm căm hay dù trời mưa phùn gió bấc, hay trời nắng chang chang.
Bí quyết để giúp con có tinh thần vượt khó cũng như rèn luyện sự bền bỉ ở những năm tháng đầu đời chính là cho con học một môn thể thao nào đó. Có thể là bơi lội, chạy hoặc bóng đá.
Những môn nhẹ nhàng hơn như violin, piano, bale, võ cũng rất tốt vì nó vẫn đòi hỏi người chơi phải nỗ lực luyện tập mỗi ngày và thử thách qua gian khổ.
4. Nếu con muốn bỏ cuộc giữa chừng, hãy duy trì hết 2 năm rồi bỏ
Rất nhiều ba mẹ gặp phải trường hợp con đòi học môn này môn kia những chỉ được một thời gian con thấy chan và bỏ cuộc. Đó là cái con đã tự mình lựa chọn học nên trước khi đồng ý cho học ba mẹ nên có một giao kèo đó là nếu con muốn bỏ dở giữa chừng đi nữa thì cũng hãy duy trì nó hết 2 năm. Sau 2 năm nếu con vẫn muốn bỏ thì ba mẹ sẽ đồng ý cho con bỏ. Đôi khi không phải cứ cho trẻ làm cái mình thích đã là tốt, mà chính quá trình duy trì 2 năm ấy sẽ rèn luyện cho trẻ sự kiên trì và bền bỉ, sự nỗ lực phải theo đuổi mục tiêu.
Ba mẹ hãy cố gắng và luôn là người bạn đồng hành cùng con trong mọi chặng đường nhé! Vì con dù lớn vẫn mãi mãi là con của ba mẹ.