Lễ phục sinh được biết đến là một trong những lễ hội quan trọng nhất đối với những tín đồ theo đạo Kito. Theo đó, lễ phục sinh được tổ chức nhằm tưởng niệm chúa Jesus.
1. Lễ phục sinh là gì nhỉ?
Lễ phục sinh hay còn gọi là thánh lễ phục sinh là ngày lễ kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Jesus (con của Chúa Trời).
Đây là một trong những dịp lễ quan trọng, không kém sự kiện Giáng sinh. Sự kiện này thường diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 mỗi năm để tưởng niệm sự kiện Chúa phục sinh từ cõi chết sau khi bi đóng đinh trên thập tự giá.
2. Tại sao Lễ Phục Sinh quan trọng hơn các lễ khác
Vì nó tạo ra một luật lệ mới giữa con người với đấng tạo hóa. Bạn cứ nghĩ đơn giản là trước Lễ Phục Sinh mối quan hệ giữa con người với đấng tạo hóa xa cách nhau. Với việc con trai của đấng tạo hóa chết đền tội lỗi cho con người, con người được làm hòa và trở nên con cái đấng tạo hóa như thuở Adam và Eva trong vườn địa đàng.
Lễ Phục Sinh còn là biểu tượng của mùa xuân, của hi vọng và sự tái sinh. Ở Âu Mỹ, người ta có truyền thống tô điểm trứng (gà, vịt, v.v..) với nhiều màu sắc sặc sở rất đẹp để trang trí cho lễ Phục Sinh, gọi là trứng Phục Sinh (Easter eggs), đây cũng là biểu tượng của ngày lễ. Trò chơi Easter Egg Hunt (săn tìm trứng Phục sinh) thường được các nhà thờ tổ chức trong ngày Phục Sinh, trong đó người tổ chức đem trứng Phục Sinh giấu quanh sân để mọi người săn tìm.
Lễ phục sinh năm nay sẽ diễn ra vào ngày 21/04/2019.
3. Mừng Lễ Phục Sinh như thế nào tại Việt Nam và thế giới.
Hoạt động của cộng đồng Thiên Chúa giáo
- Ăn chay kiêng thịt hãm mình: nói đúng hơn là chay ăn và chay thịt. Người Công giáo trong ngày Lễ tro và Thứ 6 tuần Thánh trước Lễ Phục Sinh 2 ngày phải kiêng thịt, kiêng ăn đồ vặt, kiêng thỏa mãn nhu cầu không cần thiết. Mọi nguồn lực dư ra thường tặng người nghèo hoặc dâng cúng cho nhà thờ.
- Xếp hình lá lấy về từ Lễ Lá: Hình dạng muôn vẻ, tùy vào độ khéo tay của mỗi người.
- Đi đàng thánh giá: ngắm 12 bức hình mô tả từng giai đoạn của Ngài Giê Su từ khi bị bắt tới khi qua đời.
- Rửa chân: được lấy từ một chuyện trong Kinh Thánh là trước khi Ngài Giê Su bị bắt thì đã rửa chân cho từng môn đệ. Và dặn rằng mọi người phải rửa chân cho nhau dù ở bất kỳ chức vụ nào.
- Diễn hoạt cảnh Chúa bị đóng đinh: thường ở các vùng đông tín hữu hoặc các nước có đông dân Công Giáo. Hoạt cảnh dựa theo câu chuyện từ khi Giê Su bị bắt cho tới khi chết.
4. Hoạt động phi tôn giáo dịp Lễ Phục Sinh
Trang trí trứng phục sinh.
Đeo tai thỏ: bắt nguồn từ truyền thuyết chú thỏ tặng quà tối trước Lễ Phục Sinh. Hướng câu chuyện khá giống chuyện Ông già Noel.
Săn trứng Phục Sinh: giấu trứng đã trang trí trong vườn và tổ chức cuộc thi tìm kiếm trứng. Ai tìm nhiều nhất sẽ thắng. Trò chơi này chủ yếu tại các nước Phương Tây và Bắc Mỹ.
Đua lăn trứng Phục Sinh: Thứ 2 sau ngày Lễ Phục Sinh là cuộc thi lăn trứng. Ai về sớm nhất sẽ thắng. Đây là sự kiện thường diễn ra tại Nhà Trắng – nơi ở của Tổng thống Hoa Kỳ.
5. Biểu tượng của lễ phục sinh
Nến Phục sinh
Lửa mang ý nghĩa đem lại cho con người ánh sáng, sự ấm áp. Ngoài ra, các tín đồ Kitô giáo tin rằng, lửa Phục sinh sẽ thắp sáng chuỗi ngày dài đêm tối và sẽ dẫn lối cho họ đến những điều đúng đắn và bình an.
Trước khi bắt đầu Thánh lễ Phục sinh, các linh mục sẽ làm nghi thức rước lửa xung quanh Thánh đường, các giáo dân cũng sẽ cùng nhau thắp sáng những ngọn nến trên tay mình.
Trên thân nến có cắm 5 dấu đinh (tượng trưng cho 5 vết thương của Chúa Giêsu), phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega với ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho Chúa Giêsu là “khởi đầu và cuối cùng”.
Trứng Phục sinh/Thỏ Phục sinh
Không phổ biến ở Việt Nam như nến Phục sinh, nhưng trứng và thỏ Phục sinh lại là biểu tượng của ngày lễ quan trọng này ở các nước phương Tây.
Trứng Phục sinh luôn được trang trí nhiều màu sắc, với những ý nghĩa như: Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, trẻ trung vô tội, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch, màu cam cho sức mạnh… Ngoài ra, những quả trứng rỗng cũng tượng trưng cho ngôi mộ trống của Chúa Giêsu.
Các chuyện thần thoại hay dân gian đều nhắc đến thỏ là con vật hiền lành, không làm hại ai. Chú thỏ Phục sinh xuất hiện từ năm 1678 do giáo sư y khoa Von Georg Franck ở Franckenau dạy đại học Heidelberg công nhận thỏ là biểu tượng của sự sinh nở phong phú. Thỏ Phục sinh là chú thỏ đem lại trứng Phục sinh. Bắt đầu từ những tín hữu của giáo hội Luther ở Đức, thỏ Phục sinh ban đầu đóng vai trò một người phân xử, đánh giá xem liệu những đứa trẻ đã cư xử ngoan ngoãn hay không vâng lời vào lúc bắt đầu mùa Phục sinh.
Thỉnh thoảng, thỏ Phục sinh được mô tả là có mặc quần áo. Theo truyền thuyết, nhân vật này mang những quả trứng có màu trong giỏ của mình, kẹo và đôi khi cả đồ chơi đến nhà của trẻ nhỏ. Cũng tương tự như ông già Noel, cả hai đều mang quà đến cho trẻ em vào buổi tối trước ngày lễ tương ứng của họ (thỏ Phục sinh vào lễ Phục sinh còn ông già Noel vào lễ Giáng sinh).