Có một số đứa trẻ sinh ra bản tính đã ương bướng, ngang ngạnh nhưng một số thì tính cách dần thay đổi do sai lầm của bố mẹ trong việc dạy dỗ, truyền đạt.
Nếu con không chịu nghe lời và thường xuyên phớt lờ mệnh lệnh cũng như chỉ dẫn của bố mẹ, bố mẹ hãy xem, bản thân mình có hay dạy con theo cách này không nhé.
1. Lời nói của bố mẹ chưa cương quyết
Từ ngữ bố mẹ sử dụng khi dạy dỗ, nhắc nhở hoặc trách mắng con thật sự rất quan trọng. Một số câu nói như: “Con đi đánh răng bây giờ luôn nhé” hoặc “Con nhặt giúp mẹ mấy món đồ chơi kia đi” sẽ khiến lời nói của bố mẹ nghe ít trọng lực, ít thẩm quyền hơn.
Khi đưa ra một mệnh lệnh với con, bố mẹ hãy sử dụng giọng nói rõ ràng, đanh thép, cùng với từ ngữ cứng rắn, cương quyết. Bố mẹ hãy đưa mệnh lệnh cho con một cách mạnh mẽ, thay vì dùng giọng điệu mềm mỏng như đang cầu xin sự giúp đỡ của con.
Giọng điệu cứng rắn sẽ khiến con nghe lời và tăm tắp làm theo chỉ dẫn của bố mẹ.
2. Đưa ra quá nhiều mệnh lệnh
Nhiều khi bố mẹ ra đưa ra cả trăm mệnh lệnh mỗi ngày cho con như “Không được mặc bộ quần áo đó” hay “Không được gõ đũa trên bàn như vậy“… Nếu con thường xuyên cư xử sai trái thì khả năng là do chúng đã bị bố mẹ áp đặt quá nhiều điều.
Việc bố mẹ la hét, bắt con phải làm mọi thứ theo ý mình có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như khiến con bị ức chế tâm lý và phản kháng bằng cách không tuân theo.
Lời khuyên là bố mẹ chỉ nên đưa ra các mệnh lệnh, hướng dẫn cho con về những vấn đề, khía cạnh quan trọng nhất. Còn những vấn đề đơn giản, bố mẹ hãy để cho con tự đưa ra quyết định. Mặc dù bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi nhìn con làm mọi thứ theo cách của riêng mình, nhưng như vậy sẽ tốt hơn so với việc lấn át và khiến con khó chịu.
3. Bố mẹ lặp lại lời nói nhiều lần
Nhiều đứa trẻ có xu hướng lờ đi lời nói của bố mẹ và thường chỉ nghe hoặc làm theo khi bố mẹ đã nói đến rát cổ bỏng họng. Thực tế, nguyên nhân của việc này lại xuất phát từ chính sai lầm của bố mẹ khi nhiều người có thói quen nói đi nói lại nhiều lần. Điều này hình thành suy nghĩ xấu trong trẻ, khiến chúng cho rằng không cần thiết phải tập trung nghe bố mẹ nói lần đầu vì đằng nào bố mẹ chẳng nói lại.
Thay vì câu “Bố mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi hả?”, bạn hãy chỉ ra lệnh cho con 1 lần duy nhất. Sau đó nếu con không nghe theo, bố mẹ hãy đưa ra hình phạt thích hợp để con chừa.
4. Bố mẹ không đưa ra hình phạt
Hình phạt là một điều không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mọi đứa trẻ. Nếu muốn con cái nghe lời, bố mẹ cần đưa ra những hình phạt phù hợp, thích đáng. Nếu mỗi khi con làm sai mà bố mẹ cứ mặc kệ thì chúng sẽ nhờn và lâu dần không còn sợ những lời bố mẹ nói.
Chẳng hạn như khi bạn bảo con “Đi đánh răng đi” mà con cứ ngồi ỳ ra xem tivi, bạn cũng không làm gì thì con sẽ ngầm hiểu rằng lời của bố mẹ nghe cũng được, không nghe cũng chẳng sao. Ngay cả khi cảnh cáo suông kiểu: “Bố mẹ không nói với con lần thứ 2 đâu nhé” mà không kèm theo hình phạt thì cũng chẳng có tác dụng.
Thay vào đó, mỗi khi con lờ đi hoặc không tuân thủ lời bố mẹ thì có thể phạt chúng bằng cách lấy đi một số đặc quyền. Chẳng hạn như nếu con không đánh răng, bố mẹ có thể phạt chúng không được xem tivi, không được chơi game… Bố mẹ hãy lấy đi các đặc quyền dựa trên sở thích của con để tăng hiệu quả.
5. Bố mẹ không bao giờ đưa ra lời khen
Nếu đã có phạt thì cần có thêm cả khen thưởng. Bố mẹ chỉ chăm chăm phạt mỗi khi con mắc lỗi mà không có lời khen hay món quà xứng đáng khi con làm tốt sẽ khiến chúng mất động lực phấn đấu. Đồng thời việc chỉ phạt cũng sẽ khiến hình ảnh của bố mẹ trở nên xấu đi trong mắt con.
Tất nhiên, bố mẹ không cần phải trả tiền cho những công việc vặt mà con hoàn thành nhưng một chuyến đi chơi công viên, một cuốn truyện tranh yêu thích trao tặng mỗi khi con tự ý thức rửa bát, hay câu nói đơn giản “Mẹ rất vui vì việc làm của con” sẽ khuyến khích tinh thần của con rất nhiều.