Nghề giáo luôn được coi là một trong những công việc vất vả nhất thế giới. Vì sao ư? Vì họ không chỉ là người thầy, người cô mà còn là các chuyên gia tâm lý, người dẫn dắt. Đồng thời đưa ra lời khuyên và giúp chúng ta nhiều điều trong cuộc sống. Nhân ngày 20/11, cùng xem những câu chuyện cảm động về thầy cô trên khắp mọi miền đất nước.
Người ta luôn nói, nghề giáo viên là một trong những công việc vất vả nhất thế giới. Trên khắp các nẻo đường, từ nơi xa xôi hẻo lánh cho tới chốn thành thị, đâu đâu cũng có bóng dáng nhưng người thầy, người cô đang ngày đêm tận tụy đem ước mơ, con chữ cho trẻ em. Với nhiều lứa học sinh, họ không chỉ là những người thấy, người Cô đem cho họ kiến thức. Các thầy Cô chính là những người đã thay đổi cuộc đời họ một cách hoàn toàn.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hãy cùng Vietchild nhìn lại những câu chuyện cảm động về thầy cô trên khắp mọi miền đất nước.
An Giang: Thầy giáo trẻ lấy tiền lương… nuôi học trò nghèo
Thầy Nguyễn Quốc Thắng ở ấp Tà Lọt (xã An Hảo). Thầy không chỉ dạy chữ cho học sinh, mà còn giúp cưu mang bữa cơm cho học sinh nghèo. Bằng đồng lương ít ỏi của mình, thầy mua cả chăn, gối, đồ chơi cho học trò để các em bớt khó khăn, kiên trì theo học.
Võ sư Thanh Loan và lớp võ đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật
Lớp võ miễn phí đặc biệt với tên gọi “Thế giới là yêu thương” dạy võ Aikido cho những em bị khuyết tật, bệnh tự kỷ, bệnh down và khiếm thị hơn 10 năm nay. Lớp được xây dựng và vun đắp bằng tình thương và lòng nhân ái của nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan.
Cô là người thầy truyền dạy võ thuật rèn luyện sức khỏe cho học trò. Đồng thời cô cũng là người bạn thân thiết của các học viên.
Giáo viên mầm non vượt qua vách núi dựng đứng đến trường
Những hình ảnh giáo viên mầm non trèo đèo lội suối đến trường do thầy Tô Hồng Điệp, Hiệu trưởng trường mầm non Tà Mít ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người thán phục trước niềm đam mê với nghề của các thầy cô giáo vùng cao.
Để đi từ huyện vào trường, thầy cô phải men theo mỏm đá dọc bờ sông. Lối đi rất nhỏ, chỉ một người đi. Người nọ phải dắt tay người kia, cẩn thận vượt qua vách đá dựng đứng.
Họ còn phải mang theo lương thực mua từ thị trấn cách điểm trường 75 km. Việc mang theo số thức ăn đủ cho một tuần vượt qua quãng đường đồi núi cheo leo, nước sông chảy mạnh khiến hành trình đến trường của giáo viên vùng cao càng trở nên nguy hiểm.
Thầy giáo vá quần áo cho học trò
Thầy giáo Lô Văn Thanh là giáo viên trường Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong (Nghệ An). Thương cậu học trò nghèo mặc bộ quần áo đã rách nhiều chỗ, thầy đã mang kim chỉ vá lại cho trò.
“Thầy Thanh bảo em cởi áo để thầy vá cho. Cả bộ quần áo bị rách gần hết nên thầy Thanh tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ để vá áo quần cho Châu” – thầy giáo Lô Văn Tường, người chụp ảnh thầy Thanh vá quần áo cho học trò kể. Sau 30 phút, bộ quần áo của Châu được vá trông lành lặn hơn.
“Có gì to tát đâu, học trò cũng giống như con mình vậy. Chúng tôi đều có kim chỉ sẵn. Tuy đường may không được khéo léo. Nhưng tôi thấy thương học trò phải mặc quần áo rách thì tôi vá lại cho trò. Hơn hết để các em cũng biết được mình có tình cảm gần gũi như chính cha mẹ các em” – thầy Thanh nói.
Nghề giáo là một nghề đáng trân quý
Trong cuộc đời mỗi người, hình ảnh về mái trường, thầy cô bao giờ cũng thật thiêng liêng, cao quý. Đặc biệt, khi một mùa hiến chương Nhà giáo nữa lại về, những câu chuyện cảm động về thầy cô ở khắp nơi trên đất nước sẽ phần nào giúp các bạn nhỏ Vietchild thêm trân quý tình cảm quý mến, “tôn sư trọng đạo” của mình tới những người thầy, người cô đáng kính hơn.
Cùng Gửi tặng lời chúc thân yêu đến Thầy Cô nhân ngày 20/11 năm nay qua hoạt động làm thiệp Online tri ân Thầy Cô cùng Vietchild ngay thôi nào!